Giữa thời điểm bất động sản khó khăn ở nhiều phân khúc, từ đất nền đến nhà ở riêng lẻ, căn hộ, bất động sản khu công nghiệp vẫn hấp dẫn nhà đầu tư lẫn khách thuê.
Theo số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS thuộc Bộ Xây dựng, trong quý III/2022, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) duy trì ở mức cao, đặc biệt là nhu cầu xây sẵn và cho thuê.
Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt khoảng 83% ở các tỉnh phía Bắc và 84% ở phía Nam. Cùng với đó, giá thuê đất tại các KCN trong quý 3 tăng nhẹ khoảng 5% so với quý trước.
Các nhà đầu tư quốc tế đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để đáp ứng nhu cầu cao này.
Báo cáo nội bộ ngành công nghiệp của Savills cho thấy, trong năm 2022, một số nhà xưởng xây sẵn đã khởi công xây dựng để bổ sung nguồn cung cho thị trường, bao gồm SLP Long Hậu tại tỉnh Long An, KCN Hố Nai tại tỉnh Đồng Nai, Core5 Hải Phòng tại TP.Hải Phòng , và VLI tại tỉnh Hưng Yên.
Bất động sản công nghiệp vẫn hấp dẫn nhà đầu tư
Thị trường bất động sản công nghiệp cũng được bổ sung thêm nguồn cung mới từ một số dự án được triển khai như KCN Sóc Sơn, Đông Anh, Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp, Phú Nghĩa mở rộng tại Hà Nội; cũng như KCN Sơn Mỹ I tại tỉnh Bình Thuận.
Hiện toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố có khoảng 140 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích cho thuê hơn 33.000 ha, chiếm 1/3 diện tích có thể cho thuê của cả nước và gấp đôi diện tích có thể cho thuê của miền Bắc.
Nhu cầu thuê đất công nghiệp trong những năm gần đây tăng mạnh và đặc biệt là trong năm nay. Thị trường phía Nam chứng kiến những thương vụ lớn như cho thuê Lego và Pandora tại VSIP 3 ở tỉnh Bình Dương, và Coca-Cola tại KCN Phú An Thạnh ở tỉnh Long An.
Thành phố Hồ Chí Minh đang dẫn đầu thị trường với giá thuê trung bình là 6 USD/m2/tháng. Thị trường bất động sản công nghiệp cho thuê chứng kiến xu hướng thuê dài hạn hơn với các hợp đồng thuê nhà xưởng kéo dài 2-3 năm thay vì 6-12 tháng như thông thường. Tại một số địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Tiền Giang, thời hạn thuê lên tới 5-6 năm, cao hơn hẳn so với phần còn lại của thị trường.
Các ngành nghề truyền thống chiếm ưu thế tại các KCN trong vùng, nhất là dệt may, da giày, cao su, nhựa.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, phân khúc bất động sản công nghiệp hiện có tỷ lệ lấp đầy dưới 90% sẽ kéo theo nhu cầu nhà ở, nghỉ dưỡng của chuyên gia, người lao động tăng cao. Vì vậy, các địa phương nơi có các KCN quy mô lớn cần đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng này.
Nghị quyết số 29-NQ/TW về đẩy mạnh hiện đại hóa đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đứng trong top 3 ASEAN về năng lực cạnh tranh. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP, chế biến, chế tạo đạt 30% GDP, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong chế biến, chế tạo đạt trên 45%. Bên cạnh đó, phấn đấu giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD.